Phát triển nhanh và bền vững tăng thu nhập cho thành viên

6 tháng đầu năm 2024, tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng do chiến tranh, giá vật tư, nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung; nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu yếu khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Hầu hết các tổ chức quốc tế đều cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023. Đối với Việt Nam, trái ngược với xu hướng tăng trưởng thấp của năm trước, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023. GDP 6 tháng đầu năm 2024 cả nước ước tăng 5,96%; nền kinh tế trong nước nói chung và kinh tế tập thể phát triển tích cực ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Phát triển KTTT, HTX, LHHTX, THT thành lập mới ở tất cả các tỉnh, thành phố và tốc độ thành lập mới quý II tăng hơn quý I

Tình hình phát triển KTTT, HTX, LHHTX, THT thành lập mới ở tất cả các tỉnh, thành phố và tốc độ thành lập mới quý II tăng hơn quý I, một số nơi vượt chỉ tiêu đề ra; một số tăng quy mô tài sản, nguồn vốn và mở rộng phạm vi hoạt động. Về hợp tác xã, 6 tháng đầu năm, cả nước thành lập mới 706 HTX, thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2023; 63/63 tỉnh trên cả nước có HTX được thành lập mới; đạt 35,3% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 (lĩnh vực nông nghiệp là 536 HTX, chiếm 76%; phi nông nghiệp là 170 HTX, chiếm 24%). Trong đó, vùng Đông Bắc, 144 HTX (20,4%); Tây Nguyên, 107 HTX (15,16%); Tây Bắc, 79 HTX (11,19%); Đồng bằng sông Hồng, 84 HTX (11,9%); Đồng bằng sông Cửu Long, 112 HTX (15,86%); Bắc Trung Bộ, 82 HTX (11,61%); Đông Nam Bộ, 54 HTX (7,65%); Duyên hải miền Trung, 44 HTX (6,23%).

Khu vực HTX thu hút trên 6,94 triệu thành viên (tăng 31.770 thành viên so với cùng kỳ năm 2023) và 2,59 triệu lao động (tăng 48.448 lao động so với cùng kỳ năm 2023). Tổng vốn điều lệ đạt trên 58,2 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,91 tỷ đồng/HTX. Tổng giá trị tài sản đạt trên 191 nghìn tỷ đồng (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023).

Tính đến 30/6/2024, cả nước có 74.833 tổ hợp tác (THT), trong đó có 47.444 THT nông nghiệp (chiếm 63,4%) và 27.389 THT phi nông nghiệp (chiếm 36,6%). Các THT thành lập mới, tổ chức, hoạt động ổn định. Hoạt động của các THT hướng đến mục đích hỗ trợ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm về giống, kỹ thuật, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, số lượng THT biến động liên tục do chủ yếu được thành lập mang tính thời vụ, liên kết không bền; hơn 42% số THT thành lập thực hiện đăng ký chứng thực tại chính quyền cấp xã.

6 tháng đầu năm 2024, cả nước thành lập mới 07 liên hiệp hợp tác xã (LHHTX), giải thể 01 LHHTX. Hiện cả nước có 139 LHHTX, tăng 9 LHHTX (tương đương 6,92%) so với cùng kỳ năm 2023, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng (37 LHHTX). Các LHHTX mới thành lập phát triển theo định hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, nâng cao vai trò đầu mối liên kết giữa các thành viên HTX, doanh nghiệp và tìm thị trường đầu ra cho các HTX thành viên. Các LHHTX thành lập mới đều có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, định hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, nâng cao vai trò đầu mối liên kết giữa các thành viên HTX, doanh nghiệp và tìm thị trường đầu ra cho các HTX thành viên.

Liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm, ổn định sản xuất đối với hợp tác xã và thu nhập cho thành viên

Theo số liệu thống kê 63,2% HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thích ứng, tích cực trong nâng cao năng lực, đầu tư kinh phí, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua đổi mới hệ thống quản trị gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm quản lý (kế toán, quản lý sản xuất của các thành viên); chuyển đổi số trong quản lý tổ chức sản xuất từ đầu vào tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ cao (tưới nhỏ giọt, lò sấy trống, chế biến cà phê ướt,…), sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu, xuất xứ sản phẩm (OCOP, hữu cơ, GlobalGap,VietGAP,…); sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng, miền, địa phương nhằm thích ứng xu hướng thị trường.

Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ các HTX được cấp mã số vùng trồng có xu hướng tăng lên, tạo ra cơ hội xuất khẩu cho HTX, giúp thành viên yên tâm sản xuất vì có đầu ra và giá cả ổn định. Các HTX đã tham gia, đóng góp có hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo nhất là trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, chương trình OCOP, và hàng hóa chủ lực của địa phương. Điển hình, tỉnh Đồng Nai có 202 chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (145 chuỗi trồng trọt, 42 chuỗi chăn nuôi, 07 chuỗi thủy sản và 08 chuỗi lâm nghiệp) với sự tham gia của 64 HTX (trong và ngoài tỉnh) liên kết kết với 101 doanh nghiệp, 35 cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh và hơn 13.594 hộ sản xuất, trang trại. Bắc Giang với chuỗi giá trị sản phẩm như: Mỳ chũ ăn kiêng, bánh quế ông Phú, bún khô Đa Mai, rượu Vân Hương, bánh đa Kế, chè xanh Bản Ven, trà cà gai leo, trà hoa vàng,…

Tại nhiều địa bàn khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mô hình HTX có vai trò quan trọng trong kết nối các thành viên, định hướng, thay đổi hoặc kết hợp phương thức sản xuất canh tác truyền thống gắn với công nghệ mới, khai thác thế mạnh và lợi thế vùng, địa phương cũng như tri thức bản địa nhằm giúp phát triển kinh tế xã hội địa phương, giảm nghèo và tạo việc làm bền vững. Điển hình, HTX nông nghiệp Tân Hưng (Kiên Giang) hỗ trợ đa số thành viên người dân tộc Khmer, HTX chè Tân Lập (Sơn La) hỗ trợ đa số thành viên nữ là dân tộc Mông, HTX Thiên Ân (Bắc Kạn) hỗ trợ đa số thành viên người dân tộc Dao,…

Thống kê có 1274 mô hình hiệu quả trong trồng cây dược liệu, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, mô hình gia trại, trang trại nấm, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư, mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Thu nhập bình quân nhiều HTX nông nghiệp trong cả nước tăng, đạt 300 – 500 triệu đồng/ha. Điển hình, HTX rau quả Tân Minh Đức, HTX Âu Việt Farm, HTX liên kết chuỗi nông sản CocoFood (Hải Dương), HTX chăn nuôi Thỏ Việt Nhật, HTX Quang Tiến – Thuận Thành (Bắc Ninh), HTX Tả Phìn Xanh (Lào Cai), HTX dịch vụ nông nghiệp thương mại Phương Nam (Hậu Giang),….

Khoảng 60% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. 60,4% HTX nông nghiệp liên kết chặt chẽ hơn với các HTX thương mại, HTX giao thông vận tải, HTX du lịch trong tiêu thụ sản phẩm thông qua phương thức thương mại điện tử (Facebook, Zalo, fanpage, group, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart,…); tham gia các trang bán hàng điện tử của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam (Liên minh HTX Việt Nam và 63 Liên minh HTX các tỉnh, thành phố), Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; kết nối tiêu thụ sản phẩm cho Quốc hội, trường học, nhà hàng, các cửa hàng bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm trực tiếp, hội chợ xúc tiến thương mại; giúp ổn định doanh thu và tăng thu nhập đối với thành viên HTX. Một số HTX nông nghiệp có sản phẩm xuất khẩu; một số HTX có doanh thu tăng 5,7-26,7% như HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), HTX Trường Anh, Lộc Rừng, Thắng Lợi,… (Cao Bằng), HTX nông sản hữu cơ Trúc Phương (Thanh Hóa); HTX nuôi trồng thủy sản Thăng Long (Hải Dương), HTX công nghệ cao Kim Long (Bình Dương), HTX Sunfood (Đà Lạt),…

Quỹ tín dụng nhân dân đóng vai trò quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng các HTX, hiệu quả hoạt động HTX

Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ổn định; có nhiều biện pháp tích cực để phát triển thành viên, tăng nguồn vốn đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh phù hợp các địa bàn khác nhau. Quỹ TDND, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở trung ương và địa phương, Quỹ Quốc gia việc làm (Quỹ 120) khẳng định được vai trò trong việc đáp ứng nhu cầu về vốn cho các HTX đầu tư sản xuất kinh doanh, hạn chế việc cho vay nặng lãi, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.

Nhiều HTX được tư vấn, hỗ trợ tiếp cận chính sách, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư, vay vốn tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và địa phương, Quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm,…, nhằm mục tiêu sản xuất bền vững. Các Liên minh HTX tỉnh, thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương triển khai cho vay vốn, với số vốn 57,8 tỷ đồng đối với các HTX từ nguồn Quỹ 120.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước ước có gần 6.000 chủ thể OCOP, trong đó gần 40% là HTX, 25% là hộ sản xuất, hơn 10% là THT; số lượng sản phẩm OCOP của HTX tăng, chiếm tỷ trọng cao so với tổng sản phẩm OCOP của địa phương; nhiều sản phẩm đạt OCOP từ 4 – 5 sao như chè Shan hữu cơ, HTX chè Bản Liền và rượu Bản Phố, dịch vụ du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn tại HTX Tả Phìn Xanh (4 sao), HTX nông nghiệp Hoa Đào với quả su su (4 sao), HTX dược liệu Yên Sơn và HTX sinh dược Ninh Bình (4 sao), HTX Tân Hoàng Minh, Hải Dương (4 sao),… Một số HTX có trên 10 sản phẩm đạt OCOP như: HTX sen quê Bác (Nghệ An); HTX Dược liệu Mạnh Hương, HTX Duy Phong, HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Quang Vinh, HTX chế biến thực phẩm sạch Gia Phú (Lào Cai), HTX,…

Một số HTX, LHHTX chủ động liên kết với doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào cho thành viên với giá cạnh tranh và đảm bảo chất lượng; mục tiêu thực hiện chuỗi sản xuất từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến tiêu thụ với đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; định hướng phát triển và mở rộng quy mô sản xuất các HTX, THT, LHHTX gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu của địa phương; giám sát các công đoạn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra nhiều tiện ích, giá trị gia tăng cho sản phẩm thành viên. Điển hình, mô hình liên kết giữa HTX DVNN xã Hưng Đạo, HTX DVNN xã Nhật Tân (Hưng Yên) và Công ty giống cây trồng Thái Bình với diện tích 250 ha, giá trị đạt trên 10 tỷ đồng; mô hình liên kết giữa HTX DVNN xã Thụy Lôi (Hưng Yên) đã liên kết sản xuất giống lúa DQ11 với Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang với diện tích là 40 ha/năm cho tổng giá trị trên 2,1 tỷ đồng; mô  hình liên kết giữa HTX kiểu mới Phù Cừ (Hưng Yên) với Công ty Suprie (Hà Nội) để cung cấp rau an toàn cho thị trường Hà Nội với sản lượng trên 500 tấn/năm. Mô hình HTX sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (Hưng Yên) liên kết với công ty nghệ Hoàng Minh Châu (Hưng Yên) để cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra; liên kết thực hiện cánh đồng mẫu sản xuất trên 20 ha lúa nếp thơm ở xã Hưng Long, tỉnh Hưng Yên.  Điện Biên hình thành vùng dự án trồng Macca, với thành lập mới 10 HTX và 10 THT trở lên tham gia sản xuất.

Các LHHTX tạo việc làm ổn định cho thành viên và người lao động, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của thành viên và thị trường; liên kết giữa các HTX thành viên với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn; thực hiện tốt khâu tổ chức sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ cho các HTX thành viên như: LHHTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Coop), SATRA, HTX liên kết chuỗi CocoFood (Hải Dương),… Một số LHHTX mới thành lập chủ động xây dựng, hoàn thiện dự án kinh doanh để thụ hưởng các chính sách ưu đãi trong các Chương trình MTQG. Điển hình, Liên hiệp HTX Khánh Hưng (Nam Định) mới thành lập, được UBND huyện Vụ Bản – Nam Định giao đất xây dựng Trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm tại trung tâm huyện đã tạo điều kiện cho LHHTX xây dựng kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương đã có hiệu quả thiết thực, sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, được các cấp, các ngành, khách hàng ghi nhận.

Tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến, vốn, tín dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh gắn với mô hình liên kết với hình thức mới hoạt động hiệu quả

Tại nhiều địa phương, 67,2% các HTX thành lập mới có các sáng lập viên trẻ (độ tuổi 27-40), nhiệt huyết, có kiến thức, trình độ về các lĩnh vực khởi nghiệp qua mô hình THT, HTX, LHHTX, mạnh dạn và sáng tạo trong tiếp cận công nghệ, nguồn lực (nhân lực, vốn, tín dụng,…) để đầu tư thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển một số loại hình dịch vụ, thương mại mới, đáp ứng yêu cầu, năng lực, sở trường của thành viên, phù hợp với nhu cầu thị trường và góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tiêu biểu, HTX nông nghiệp sinh thái công nghệ cao Surako (Bà Rịa- Vũng Tàu), HTX nông dược Làng Hạnh Phúc (Bà Rịa- Vũng Tàu), TX Nông nghiệp và dịch vụ hoa kiểng Labanda, xã Long Hưng B, H. Lấp Vò (Đồng Tháp),…

Một số mô hình HTX nông nghiệp, HTX du lịch gắn kết sản xuất nông nghiệp đã thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ (Nghị quyết số 20-NQ/TW) trong quá trình sản xuất, thu gom, phân loại các chất thải, phế phụ phẩm; tái sử dụng chất thải, làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các tiến bộ khoa học kỹ thuật; thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong bối cảnh của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, phù hợp định hướng của quốc gia trong phát triển bền vững. Mô hình phổ biến vườn – ao – chuồng (VAC) tại HTX nông nghiệp Mai Pha Land (Mai Pha, Lạng Sơn), HTX nuôi trồng, chế biến thủy sản, cá hồi, cá tầm Thức Mai (Lào Cai); mô hình lúa – tôm, lúa – cá, tại HTX nông nghiệp An Mỹ (Mỹ Đức, Hà Nội); mô hình HTX nông nghiệp và du lịch bền vững Hội An (Heal Organic Farm) phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp xanh.

Nguồn tin: https://vca.org.vn/

Sưu tầm: Thùy Linh

TIN TỨC MỚI

THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

VIDEO