Phát triển kinh tế tập thể 

Để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX; chính sách hỗ trợ về khoa học, công nghệ; hỗ trợ cho thuê đất dài hạn… Từ năm 2020 đến nay, tỉnh hỗ trợ 79 HTX, tổ hợp tác (THT) nông nghiệp mua sắm máy, thiết bị phục vụ quản lý điều hành và xây dựng hạ tầng; Liên minh HTX tỉnh tổ chức cho trên 100 HTX tham gia xúc tiến thương mại và kết nối cung – cầu; Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh giải ngân cho 35 HTX vay vốn phát triển, mở rộng sản xuất… Qua đó, đã tạo điều kiện cho các HTX trong tỉnh phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 HTX, 556 THT (thu hút trên 2.770 thành viên). Doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 1,7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng/năm.

Người lao động làm việc tại HTX sản xuất cơ khí Tân Tiến (Ân Thi)
Người lao động làm việc tại HTX sản xuất cơ khí Tân Tiến (Ân Thi)

Với 398 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở nông thôn. Hiện nay, đa số HTX trong lĩnh vực này hoạt động theo mô hình kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ sản xuất và chế biến; cung cấp các dịch vụ đầu vào và bao tiêu một phần sản phẩm đầu ra cho thành viên. Đến tháng 7 năm nay, toàn tỉnh có 63 HTX nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; 199 HTX tham gia liên kết chuỗi; 52 HTX tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Quang Điện, Giám đốc HTX Tiên Châu Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) cho biết: Hiện nay, HTX có 5 sản phẩm được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Từ khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, các sản phẩm của HTX thường xuyên được ngành chuyên môn hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh nên thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Thời gian tới, HTX tiếp tục quảng bá sản phẩm, chú trọng thực hiện các biện pháp giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm… 

Cùng với HTX nông nghiệp, toàn tỉnh duy trì hoạt động hiệu quả của 44 HTX lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ vận tải, điện và 65 quỹ tín dụng nhân dân. 

Bà Phạm Thị Hoạt, Giám đốc HTX nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ – mộc dân dụng Hoạt Tuân, xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động, bên cạnh thu hút lao động có tay nghề, HTX chú trọng đầu tư máy, công nghệ trong sản xuất, quan tâm giữ gìn vệ sinh môi trường. Đến nay, các công đoạn sản xuất như: Xẻ, khoan, cưa, đục, đánh bóng, phun sơn… được thực hiện bằng máy. Doanh thu trung bình mỗi năm của HTX đạt trên 4 tỷ đồng; tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương với thu nhập 8-12 triệu đồng/người/tháng. 

Đến nay, hầu hết các HTX đã thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; bổ sung thêm dịch vụ mới, qua đó nâng cao thu nhập cho thành viên; thu hút lao động trẻ, có chuyên môn tham gia HTX, đồng thời góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh tế tập thể vẫn còn một số hạn chế như: Số HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất còn ít; cán bộ quản lý HTX chưa linh hoạt với cơ chế thị trường; chưa năng động phát triển kinh doanh… 

Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Với mục tiêu đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động của HTX, THT bảo đảm đúng nguyên tắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém; phát triển đa dạng hóa các loại hình HTX trong mọi lĩnh vực; tập trung phát triển HTX nông nghiệp đa ngành nghề gắn với các vùng sản xuất, gắn với liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX; tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý, thành viên HTX; tiếp tục phát triển HTX theo Luật HTX năm 2023… Phấn đấu đến hết năm 2024, thành lập mới 10-15 HTX; 10-20 THT được UBND xã, phường chứng thực hoạt động; 75% số HTX hoạt động khá trở lên… 

Nguồn tin: https://baohungyen.vn/

Sưu tầm: Thùy Linh

TIN TỨC MỚI

THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

VIDEO