Liên kết theo mô hình kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là mô hình phù hợp để phát triển vùng nông thôn, hướng đến lợi ích của thành viên. Đồng thời, giúp đỡ những người yếu thế không chỉ về mặt kinh tế, còn tạo “lực đẩy” phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển.
Để phát huy thế mạnh sẵn có, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các HTX nông nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực tìm hướng đi mới trong xây dựng mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ứng dụng khoa học – kỹ thuật nâng cao sản xuất
Thời gian gần đây, KTTT, HTX trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và rõ nét. Các HTX có nhiều nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong sản xuất, kinh doanh với những cách làm hay, mô hình hiệu quả.
Điển hình như HTX nông nghiệp thương mại, sản xuất và dịch vụ Châu Hưng, huyện Châu Thành được thành lập vào năm 2019 với 50 thành viên và 500 thành viên liên kết. HTX hoạt động đúng Luật Hợp tác xã năm 2012 theo mô hình mới với ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp và thực hiện các dịch vụ phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.
Ông Trần Quốc Hào, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp thương mại, sản xuất và dịch vụ Châu Hưng cho biết: HTX hoạt động sản xuất theo tổ hợp tác (THT) có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học và đơn vị liên kết đầu vào (cung cấp vật tư nông nghiệp) và đầu ra (tiêu thụ sản phẩm), chủ trì liên kết ký hợp đồng cung cấp đầu vào và đầu ra với 01 THT (đại diện 105 hộ sản xuất tham gia dự án). THT, HTX sản xuất lúa hữu cơ tìm nguồn để ký hợp đồng cung cấp lúa hữu cơ với công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trên cơ sở kết nối của đơn vị thực hiện dự án với THT (đại diện hộ sản xuất) thông qua hợp đồng.
Diện tích canh tác của HTX hiện nay khoảng 510ha (Châu Thành 350ha, trong đó có 60ha lúa hữa cơ tại Long Hòa – Hòa Minh; 100ha tại huyện Trà Cú, 50ha tại huyện Cầu Ngang). Hiện HTX đã liên kết với 02 địa phương của huyện Cầu Ngang và Trà Cú.
Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực làm nông nghiệp và thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, HTX với nông dân, gần đây, HTX đầu tư sử dụng 05 “máy bay nông nghiệp không người lái” để phục vụ sản xuất của HTX và làm dịch vụ ở những vùng khác. Việc sử dụng “máy bay nông nghiệp không người lái” giúp nông dân quản lý, theo dõi toàn diện các hoạt động tại nông trại, cung cấp thông tin chính xác, thời gian về tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại giống cây trồng, đất đai và môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Bên cạnh đó, HTX định hướng tập trung đẩy mạnh công tác thương mại, thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển.
Vì lợi ích của thành viên
Gần 07 năm đi vào hoạt động, HTX nông nghiệp Phát Tài, ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành đã khẳng định vị thế và giá trị KTTT đem lại nhiều lợi ích cho thành viên. HTX đã kết nối doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào và đầu ra thụ sản phẩm, từng bước tạo hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.
Bằng các mối quan hệ và vận dụng kiến thức về KTTT, Ban Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành và địa phương. Những năm gần đây, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp, công ty cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên với giá thấp hơn thị trường khoảng 10% và đầu ra sau khi thu hoạch.
Nông dân Nguyễn Văn Đậm, thành viên HTX nông nghiệp Phát Tài cho biết: tham gia vào HTX sản xuất lúa giống, nông dân không lo thiếu vốn mỗi khi đến vụ sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn giá thị trường. Đến lúc thu hoạch bán lúa được HTX thu mua mà không lo bị ép giá. Với gần 04ha vụ lúa đông – xuân năm nay, năng suất đạt bình quân 08 tấn/ha, giá bán 9.200 đồng/kg, lợi nhuận từ 30 – 40 triệu đồng/ha.
Nông dân Nguyễn Văn Minh, ấp An Chay, xã Thanh Mỹ, thành viên HTX nông nghiệp Phát Tài cho biết thêm: giá lúa vụ đông – xuân đợt này tăng hơn vụ trước. Với 3,5ha lúa, năng suất đạt 08 tấn/ha, lợi nhuận đạt 34 – 42 triệu đồng/ha. Nhờ tham gia vào HTX kịp thời, được cung ứng nguyên liệu đầu vào và đầu ra nên vụ lúa này ông đã thuê thêm 2,5ha đất để làm, nhờ vậy mà doanh thu vụ lúa đông – xuân vừa qua lợi nhuận gần 150 triệu đồng.
Có thể thấy hiệu quả hoạt động đã thể hiện qua từng vụ lúa, từng việc làm thiết thực của HTX. Nhờ thế, HTX từ 58 thành viên tham gia sản xuất 40ha (năm 2012), nay đã tăng 94 thành viên, sản xuất 150ha, vốn điều lệ 424 triệu đồng, vốn hoạt động lên 04 tỷ đồng. HTX chuyên sản xuất các loại lúa giống, lúa hàng hóa; cung cấp vật tư nông nghiệp cho thành viên, đây là HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài cho biết: khi mới thành lập, hoạt động còn nhiều khó khăn, thành viên ít, nông dân và thành viên HTX chưa tin tưởng. Để HTX hoạt động đúng hướng, mang lại lợi ích cho thành viên, HTX liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra, đầu vào và ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật từ khâu chọn giống nguyên chủng đến quá trình sản xuất mang lại lợi nhuận cao cho thành viên và nông dân….
Nhờ tham gia vào HTX các hộ sản xuất nhỏ lẻ ở Thanh Mỹ đã giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá bán cũng như xây dựng thương hiệu cho cây lúa. Mặt khác, nông dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả hơn so với sản xuất riêng lẻ.
Cùng với đó, được sự hỗ trợ của địa phương và các ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ nên HTX dần ổn định. Việc sản xuất lúa, nhất là lúa giống có nhiều thuận lợi, ổn định và hiệu quả. Từ đó, đã tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu chung và nguyện vọng của thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bình đẳng, hài hòa lợi ích. HTX đã đóng góp tích cực vào xây dựng xã Thanh Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới, hàng năm HTX đóng góp trên 30 triệu đồng xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình phúc lợi và Quỹ An sinh xã hội của địa phương.
Tuy hiện nay HTX hoạt động nề nếp và hướng đến phát triển bền vững, nhưng vẫn còn khó khăn là thiếu trang thiết bị. Sắp tới HTX xây dựng phương án sản xuất để được hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất lúa cũng như hoạt động của HTX, từ đó giúp thành viên giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
Nguồn tin: Vca.org.vn
Sưu tầm: Thùy Linh