Ngày 11-4-1946: Ngày truyền thống của phong trào Hợp tác xã Việt Nam

Ngày này 79 năm trước Bác Hồ viết thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam kêu gọi họ tham gia thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Sau lời kêu gọi của Người, hàng loạt cơ sở kinh tế hợp tác (khi đó gọi là tổ vần nông, đổi công) được hình thành, dần phát triển thành hợp tác xã vào những năm 50-60 của thế kỷ XX.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 11-4

Sự kiện trong nước

Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, trong phiên họp thứ 25, ngày 11-4-1931, quyết định công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản và sẽ đưa ra thông qua tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản.

Sự kiện trên đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng của Đảng Cộng sản Đông Dương trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đồng thời có tác dụng động viên cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta trên con đường đấu tranh cách mạng.

Ngày 5-8-1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản ra Nghị quyết kết nạp vào Quốc tế Cộng sản một số Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức là Phân bộ của Quốc tế Cộng sản.

Ngày 11-4-1946: Ngày truyền thống của phong trào Hợp tác xã Việt Nam
Ngày 27-12-1972, một chiếc B52 của Mỹ đã bị quân và dân quận Ba Đình bắn hạ và rơi xuống hồ Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Tư liệu

Để trả đũa các cuộc tiến công nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh cho máy bay tàu chiến leo thang đánh phá miền Bắc. Với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ngày 11-4-1972 Chính phủ ta đã ra tuyên bố lên án và bóc trần bộ mặt xâm lược ngoan cố và hiếu chiến của Mỹ.

Tuyên bố có đoạn viết: “Nhân dân Việt Nam quyết đánh, quyết thắng và nhất định sẽ đánh bại hoàn toàn chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, không một sức mạnh tàn bạo nào, không một sự đe dọa láo xược nào lay chuyển được quyết tâm của nhân dân Việt Nam chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Ngày 11-4-1946: Ngày truyền thống của phong trào Hợp tác xã Việt Nam
Bác Hồ từng viết, “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Ảnh: Tư liệu

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, ngày 11-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Trong thư Bác Hồ đã viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”; “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã”; “… hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”.

Trong thư, Người còn viết: “Hợp tác xã  nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà. Hợp tác xã nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”.

Người tha thiết kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã”.

Với những cơ sở và ý nghĩa to lớn của ngày 11-4, ngày 27-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1268/QĐ-TTg công nhận ngày 11-4 hàng năm là ngày Hợp tác xã Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua các thời kỳ phát triển khác nhau, phong trào hợp tác xã ở Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước; đặc biệt là những đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Phát huy truyền thống 76 năm qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh quá trình củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng những cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Sự kiện quốc tế

– Ngày 11-4-1957, Anh chấp nhận cho Singapore hưởng quy chế chính phủ tự trị.

Ngày 11-4-1946: Ngày truyền thống của phong trào Hợp tác xã Việt Nam
Lực lượng của Mỹ đến Ả Rập Xê Út vào cuối tháng 8-1990 để chuẩn bị cho cuộc chiến. Ảnh: AFP 

– Ngày 11-4-1991, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chính thức thông báo kết thúc cuộc chiến tranh Vùng Vịnh.

Theo dấu chân Người

– Ngày 11-4-1924, trong thư Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đưa ra nhận xét: “Những thuộc địa của Pháp nói chung, và Đông Dương nói riêng ít được biết đến trong giới vô sản và cộng sản. Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp rất ít được thông tin về những gì xảy ra ở những thuộc địa đó”.

Thư vạch rõ: “Nếu chúng ta muốn hoạt động một cách có ích về vấn đề thuộc địa thì nhất thiết phải bắt liên lạc với các thuộc địa đó” đồng thời cho rằng, chuyến trở về Việt Nam theo dự định “sẽ là một chuyến đi để khảo sát và nghiên cứu” với mục tiêu: Thiết lập mối quan hệ giữa Đông Dương và Quốc tế Cộng sản…

– Ngày 11-4-1950, Bác chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Kết thúc phiên họp, Bác nhắc nhở: Chúng ta đang chuẩn bị mọi mặt về quân sự, chính trị, ngoại giao… để chuyển mạnh sang tổng phản công, phải làm tốt công tác động viên nhân dân: “Không động viên được dân thì kế hoạch hay mấy cũng hỏng, lúc nào mọi kế hoạch đến tận dân, dân thực hiện, lúc đó mới thật là tổng động viên”.

Ngày 11-4-1946: Ngày truyền thống của phong trào Hợp tác xã Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh lao động tăng gia sản xuất cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ. Ảnh: Tư liệu

– Ngày 11-4-1964, Bác trả lời bạn đọc trên Báo Nhân Dân đặt câu hỏi: “Làm thế nào để thực hiện mỗi người làm việc bằng hai?”. Đây là nội dung Bác phát động từ Hội nghị Chính trị đặc biệt. Bác giải thích rằng, làm việc bằng hai không có nghĩa là kéo dài giờ lao động gấp đôi mà “bất kỳ làm công việc gì đều phải cố gắng nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm, có tinh thần cố gắng gấp bội; ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm mục đích làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

– Ngày 11-4-1966, Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết ba năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “4 tốt”. Sau khi động viên những kết quả tích cực của cuộc vận động, Bác cũng phê phán: “Tệ hơn nữa là trong những chi bộ ấy có một số đảng viên và cán bộ, có cả cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh nặng. Đảng cần phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ mắc sai lầm đó”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Không động viên được dân thì kế hoạch hay mấy cũng hỏng, lúc nào mọi kế hoạch đến tận dân, dân thực hiện, lúc đó mới thật là tổng động viên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn như vậy trong phần kết luận Phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận về tình hình thế giới, tình hình quân sự, việc thực hiện chương trình ba tháng đầu năm và ra Nghị quyết về công tác ngoại giao, giáo dục, cải tổ bộ máy tư pháp, giao thông công chính, nội vụ, tổ chức ngày 11-4-1950.

Ngày 11-4-1946: Ngày truyền thống của phong trào Hợp tác xã Việt Nam
Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ quân đội thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, tích cực làm tốt công tác dân vận, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn… Ảnh: Mod.gov.vn

Thực hiện chỉ huấn của Người, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đoàn kết, tập hợp và động viên không chỉ sức mạnh toàn dân tộc mà còn quy tụ được sự ủng hộ của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, các nước anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, thống nhất nước nhà. Thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những kết quả bước đầu của các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quốc gia khởi nghiệp”… những năm qua là một minh chứng về sức mạnh to lớn của các chủ trương, đường lối đúng đắn, hợp lòng dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ, đúng như Bác đã khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân…”.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ quân đội thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, tích cực làm tốt công tác dân vận, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; tuyên truyền sâu rộng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân hiểu, tin và thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Thấu triệt lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị các cấp trong toàn quân chú trọng làm tốt việc nghiên cứu, điều tra, khảo sát thấu đáo đặc điểm, tình hình của đơn vị, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng và khả năng của bộ đội để ban hành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện kiêu ngạo, tham ô, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng, độc đoán, gia trưởng, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 6080 ngày 11-4-1978 đăng tải Thông tri của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc kỷ niệm Ngày chiến thắng (30-4), Ngày quốc tế Lao động (1-5) và Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5).

Ngày 11-4-1946: Ngày truyền thống của phong trào Hợp tác xã Việt Nam

Thùy Linh

TIN TỨC MỚI

THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

VIDEO