Khẳng định vai trò trong xây dựng sản phẩm OCOP

Cùng với phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã (HTX), đơn vị thành viên liên minh HTX tích cực tham gia OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các hợp tác xã đẩy mạnh liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Tích cực tham gia

Gắn bó hơn 30 năm với nghề làm giò chả, cơ sở chế biến thực phẩm Chỉnh Tám (xã An Hồng, huyện An Dương) hiện có 13 dòng sản phẩm chính bao gồm nem chua, giò chả các loại. Để xây dựng, phát huy và hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm, đơn vị tích cực đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện quy trình chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và các thủ tục, hồ sơ đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP. Đến nay, đơn vị có 7 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao. Theo chủ cơ sở Vũ Thị Tám, được chứng nhận OCOP mở ra nhiều cơ hội phát triển cho đơn vị. Ngoài tiêu thụ rộng rãi tại các chợ dân sinh, các khu du lịch, nghỉ dưỡng và địa bàn các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, từ đầu 2023, sản phẩm của đơn vị còn tiếp cận, bày bán tại siêu thị AEON Mall. Trong điều kiện thị trường nhiều khó khăn, đơn vị duy trì cung cấp cho thị trường, sản lượng trung bình 5-7 tạ/ngày; đợt cao điểm lên tới 10 tấn/tháng, bảo đảm mức thu nhập cho gần 30 công nhân trung bình từ 8- 10 triệu đồng/tháng…

Với cơ sở sản xuất kinh doanh Vũ Văn Đoàn (xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy), thành viên câu lạc bộ OCOP Hải Phòng, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đơn vị tích tụ ruộng đất, vận động bà con thuê lại ruộng sâu trũng, bỏ canh tác lâu ngày để cải tạo trồng thả sen. Cùng với các sản phẩm sen truyền thống, trên diện tích gần 5,3 ha, cơ sở phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ sen. Hiện tại, 2 sản phẩm tinh bột củ sen và trà củ sen được đánh giá OCOP 3 sao.

Qua thống kê, đến nay, toàn thành phố có 213 sản phẩm OCOP được công nhận (trong đó có 66 sản phẩm đạt 4 sao; 147 sản phẩm 3 sao và 5 sản phẩm gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá đạt 5 sao). Sau khi được công nhận, các sản phẩm có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng tầm giá trị nông sản và thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển. Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Nhuận, xã An Hòa (huyện An Dương) Ngô Hữu Đạo cho biết, đơn vị đang trồng giống ổi lê Đài Loan, cho hiệu quả kinh tế ổn định, cao gấp 5-10 lần trồng lúa. Bên cạnh việc triển khai làm mã vùng trồng trên diện tích hơn 50 ha, đơn vị rất mong muốn được hỗ trợ tem mác, tiến tới chứng nhận sản phẩm VietGap và đạt OCOP để nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con.

Chú trọng hỗ trợ, tạo liên kết chuỗi giá trị

Phó chủ tịch Liên minh HTX thành phố Nguyễn Minh Hoàng cho biết, căn cứ theo nhu cầu thực tế của các đơn vị, nhằm tạo mối liên kết thúc đẩy các chủ thể HTX, cơ sở sản xuất hỗ trợ, cùng nhau phát triển, tạo chuỗi giá trị bền vững, năm 2023, Liên minh HTX thành phố thành lập câu lạc bộ OCOP Hải Phòng. Với hơn 20 thành viên, câu lạc bộ là sân chơi để các đơn vị, chủ thể OCOP có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là nơi để các đơn vị có cơ hội tổng hợp, thông qua liên minh đề xuất ý kiến với thành phố, các sở, ban, ngành giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo cái ngành nghề, lĩnh vực. Theo ông Phạm Gia Mạnh (chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm An Khánh, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy), được sự quan tâm của các ban, ngành, địa phương, đặc biệt, khi tham gia câu lạc bộ OCOP Hải Phòng, đơn vị liên kết giới thiệu thêm một số sản phẩm như sen, mật ong… Qua đó, sản phẩm được mở rộng các kênh bán hàng, sản lượng tiêu thụ cũng nâng lên đáng kể.

Trong năm 2024, thành phố tiếp tục phát triển, hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng 70 sản phẩm, đánh giá lại 33 sản phẩm. Bám sát kế hoạch mục tiêu của Trung ương và thành phố, cùng với các ngành, địa phương, thời gian tới, Liên minh HTX thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp như tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ hợp tác, HTX trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP, hỗ trợ đào tạo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn, góp phần xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng tốt. Cùng với đó, tạo điều kiện để các tổ hợp tác, HTX dựa trên thế mạnh lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa bản địa, các sản vật, sản phẩm làng nghề cho giá trị kinh tế cao theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo vệ, hệ sinh thái bền vững, thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển theo chuỗi giá trị.

Nguồn tin: https://vca.org.vn/

Sưu tầm: Thùy Linh

TIN TỨC MỚI

THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

VIDEO