Năm 2024, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bão, lũ; sâu bệnh gây hại; giá vật tư cho sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của nông dân, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh, trong đó có Chi cục Bảo vệ thực vật (Chi cục) đã có nhiều giải pháp, kế hoạch sản xuất phù hợp để bảo vệ mùa màng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp sức cùng nông dân vượt qua khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Để chủ động phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao, trước mỗi mùa vụ, Chi cục đã có nhận định, dự kiến khả năng phát sinh, mức độ của sinh vật chính gây hại trên cây trồng để có biện pháp quản lý dịch hại một cách an toàn, hiệu quả. Vào các thời kỳ xung yếu của cây trồng và cao điểm của dịch hại, Chi cục tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, nhận định, dự kiến khả năng phát sinh của dịch hại để khuyến cáo nông dân phòng trừ kịp thời nên đã ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát và gây hại của sâu bệnh…
Năm 2024, Chi cục phát hành 48 thông báo định kỳ, 12 thông báo tháng về tình hình dịch hại cây trồng; 5 kế hoạch, 4 công văn chỉ đạo thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất, phòng trừ sâu bệnh; tổ chức 54 lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng cho 2.700 người. Ngoài ra, Chi cục phối hợp với một số tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ nông nghiệp, nông dân một số địa phương ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo 4.0 trong việc nhận diện các đối tượng dịch hại cây trồng và các giải pháp phòng trừ hiệu quả; phối hợp với Tổ chức CABI tổ chức 1 lớp tập huấn sử dụng phần mềm bác sĩ cây trồng (Plant Doctor) cho 50 cán bộ nông nghiệp và nông dân; phối hợp với Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức 10 lớp tập huấn sử dụng phần mềm bác sĩ cây trồng (AI Greendoctor) trên cây nhãn cho 500 cán bộ nông nghiệp và nông dân ở các địa phương trồng nhãn.
Thực hiện Dự án “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với sản xuất nông sản hữu cơ trên một số cây trồng chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022-2025”, năm 2024, Chi cục đã triển khai 15 lớp huấn luyện nông dân FFS-IPM trên các cây trồng; tổ chức 11 lớp tập huấn về nhận thức và quản lý, duy trì mã số vùng trồng cho các vùng nhãn, vải, chuối, bưởi với 550 người tham gia; thực hiện kiểm tra và đề nghị cấp mã số cho 1 vùng trồng bưởi tại xã Ông Đình (Khoái Châu); kiểm tra, giám sát các vùng vải, nhãn, chuối đã được cấp mã số; lấy 34 mẫu lá, quả vải, nhãn, chuối, bưởi giám định sinh vật gây hại; 17 mẫu quả vải, nhãn, chuối, bưởi kiểm tra dư lượng thuốc BVTV…
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, Chi cục tổ chức nhiều mô hình khảo nghiệm thuốc BVTV phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng như: Khảo nghiệm 3 loại thuốc BVTV trên cây lúa, 4 loại thuốc BVTV trên cây có múi, 4 loại thuốc BVTV trên cây nhãn, 4 loại thuốc BVTV trên cây vải… để đánh giá hiệu lực, hiệu quả của thuốc nhằm hướng dẫn, khuyến khích nông dân sử dụng các loại thuốc đạt hiệu quả cao trong phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng…
Trong năm, Chi cục hoàn thành 3 đợt lấy mẫu kiểm định chất lượng thuốc BVTV; trong đó, lấy 104 mẫu thuốc BVTV tại 81 cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV. Qua đó, phát hiện 4 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng như công bố; trình cấp có thẩm quyền xử phạt 13 trường hợp vi phạm các quy định về kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV với tổng số tiền xử phạt hơn 38,6 triệu đồng. Thực hiện điều tra kho của 47 công ty thức ăn chăn nuôi, đại lý hàng nông sản trong tỉnh với tổng diện tích sàn kho khoảng 310.500m2, tổng khối lượng nông sản bảo quản 232.620 tấn. Kết quả điều tra đã phát hiện 17 loài côn trùng hại kho thông thường thuộc 2 bộ, 13 họ khác nhau.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: Để tiếp tục đồng hành, chung sức cùng nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Chi cục tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng theo nguyên tắc IPM, IPHM. Khuyến khích nông dân sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, an toàn, hiệu quả; triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV; tuyên truyền sâu rộng, tập huấn kỹ thuật công tác kiểm dịch thực vật nội địa tới các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan trong tỉnh. Thực hiện các kỳ điều tra sinh vật gây hại trên lúa, ngô sau nhập khẩu và thực hiện điều tra, giám sát 100% diện tích các cây trồng nhập khẩu lần đầu, bảo đảm phát hiện và xử lý kịp thời 100% đối tượng kiểm dịch thực vật…
Nguồn tin: https://baohungyen.vn/
Sưu tầm: Thuỳ Linh