Với mục tiêu xây dựng kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh, các địa phương luôn quan tâm phát triển các mô hình hợp tác xã (HTX) thực hiện chế biến, bảo quan nông sản. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi.
Hiện nay toàn tỉnh có 363 HTX. Để hỗ trợ các HTX thực hiện chế biến, bảo quản nông sản sau khi thu hoạch, những năm qua, tỉnh, ngành chức năng và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn thực phẩm; hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các HTX; triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình đề án về thực hiện ứng dụng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS; hy.check.net; đề án chăn nuôi an toàn sinh học… trong quản lý và cấp chứng nhận mác vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, chăn nuôi an toàn sinh học… nhằm khuyến khích sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ nông sản. Từ năm 2015 đến nay, Chi cục PTNT tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 33 HTX thành lập mới mua sắm kho lạnh, máy sấy nông sản phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ 5 HTX mua sắm máy móc chế biến nông sản. Ngoài ra, nhiều HTX chủ động mua sắm máy móc chế biến, bảo quản nông sản phục vụ sản xuất để nâng cao hoạt động. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.
Tại HTX Hoa Anh Đào, xã Đại Hưng (Khoái Châu), nhờ có kho lạnh bảo quản, sản phẩm hoa ly sau thu hoạch hoạch, hoa được nhập về bán của HTX luôn tươi, bảo đảm chất lượng. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận của HTX đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Ông Đào Văn Quyên, Giám đốc HTX cho biết: HTX thành lập năm 2020, sau khi tìm hiểu và được hỗ trợ của ngành chức năng, HTX phát triển mô hình trồng hoa ly, với diện tích trên 40 mẫu. Diện tích trồng lớn, hoa ly lại thu hoạch theo lứa nên mỗi lần thu hoạch sản lượng rất lớn. Do đó, HTX luôn chú trọng đến việc bảo quản. Năm 2021, sau khi được tỉnh hỗ trợ xây dựng một kho lạnh với diện tích 120m3. Từ khi xây dựng kho lạnh để bảo quản hoa ly, hiệu quả cao kinh tế cao gấp 1,5 lần so với khi chưa áp dụng kho lạnh. Chất lượng hoa bảo đảm, giá cả ổn định. Thấy được hiệu quả trong việc thực hiện bảo quản hoa ly, HTX tiếp tục đầu tư thê thêm 2 kho lạnh tại các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội để bảo quản hoa ly. Nhờ đó, doanh thu HTX tăng hằng năm. Năm 2022, doanh thu của HTX đạt trên 7 tỷ đồng và tạo việc làm cho 10 lao động.
Không chỉ chú trọng thực hiện bảo quản nông sản sau thu hoạch, để giảm tổn thất cho các sản phẩm nông sản sau thu hoạch, giải quyết bài toàn được mùa mất giá, nhiều HTX chủ động đầu tư máy móc, thiết bị thực hiện chế biến nông sản nhằm đa dạng sản phẩm nông sản, hướng đến sản xuất theo chuỗi. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp và thủy sản Hưng Thịnh, xã Quang Hưng ( Phù Cừ). Từ những lò sấy thủ công bằng than, đến nay HTX đã đầu tư máy sấy bằng điện để chế biến nông sản. Ngoài chế biến nông sản cho thành viên, HTX còn hỗ trợ chế biến nông sản cho người dân trên địa bàn trong và ngoài xã. Ông Tống Xuân Vũ, Giám đốc HTX cho biết: HTX hiện có 25 thành viên, diện tích sản xuất đạt trên 40ha, chủ yếu là trồng nhãn. Trước đây khi chưa có máy móc chế biến, sản phẩm nhãn quả của HTX chủ yếu bán tươi. Nhiều năm được mùa, nhãn tươi khó bán, giá rẻ nhiều hội viên đã thực hiện sấy nhãn bằng lò than. Tuy nhiên chất lượng long nhãn sấy bằng phương pháp thủ công chất lượng không cao. Trước thực trạng đó, HTX đầu tư mua 4 máy sấy điện để phục vụ chế biến nông sản. Năm 2019, HTX được tỉnh hỗ trợ 1 máy sấy bằng điện. Từ khi có máy sấy nhãn bằng điện, hội viên yên tâm sản xuất, không lo đầu ra, chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi năm HTX thực hiện sấy khô khoảng 40 tấn nông sản tươi cho hội viên và người dân. Phát triển hoạt động theo hướng sản xuất gắn với chế biến nông sản góp phần tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả hoạt động cho HTX, trung bình mỗi năm HTX thu lãi 500 triệu đồng.