Những năm qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của khối kinh tế tập thể và HTX góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn tại các địa phương.
Nhiều mô hình hiệu quả
Không còn sản xuất theo quy mô hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu làm theo kinh nghiệm truyền thống, hiện nay nông dân ngày càng chủ động trang bị kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học – kỹ thuật, tham gia các HTX, tổ hợp tác. Sự chủ động, thay đổi tư duy, cách làm của nông dân trong liên kết sản xuất giúp các mô hình kinh tế tập thể được phát triển nhiều hơn và phát huy lợi thế, góp phần nâng cao thu nhập người dân và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hợp tác xã hoạt động hiệu quả sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã cây ăn trái Minh Thắng, xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành thu hoạch Bưởi da xanh
HTX cây ăn trái Minh Thắng, xã Minh Thắng là một trong những HTX hoạt động khá hiệu quả tại thị xã Chơn Thành, với cây trồng chủ lực là bưởi da xanh. Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn có nguồn hàng dồi dào, đạt tiêu chuẩn để cung ứng cho đối tác, đảm bảo việc làm và nguồn thu cho thành viên với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. HTX thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong tạo điều kiện vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất. “Sau khi thành lập, các thành viên HTX được tạo điều kiện để vay vốn với tổng khoảng 2 tỷ đồng. Sau 5 năm, chúng tôi đã hoàn trả hết số nợ này” – ông Trần Minh Dũng, thành viên HTX cây ăn trái Minh Thắng cho biết.
Thông qua liên kết sản xuất, các mô hình kinh tế tập thể đã phát huy lợi thế, thúc đẩy tích cực sự phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò của kinh tế tập thể, tự đứng ra thành lập các tổ, hội trên tinh thần cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Qua đó, lấy chất lượng làm tiên phong, chủ động, sáng tạo hơn trong sản xuất. “Thành viên Hội quán Mai vàng, thị xã Chơn Thành cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Hội quán cũng tổ chức cho thành viên đi học tập ở những làng nghề lớn, có tiếng để họ được hướng dẫn, hỗ trợ. Đây không chỉ đơn thuần là tập hợp những thành viên trong cùng lĩnh vực lao động mà còn là mô hình kinh doanh, kinh tế tập thể” – ông Phạm Ngọc Danh, Chủ nhiệm Hội quán Mai vàng chia sẻ.
Xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể, thời gian qua, việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể luôn được cấp ủy, chính quyền thị xã Chơn Thành quan tâm. Đến nay, toàn thị xã có 14 HTX hoạt động theo Luật HTX, gồm 11 HTX nông nghiệp, 3 HTX dịch vụ. Trong đó, 7 HTX được cấp chứng nhận VietGAP. Các HTX đã đầu tư mua sắm máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nên sản phẩm đạt chất lượng tốt, nhiều mặt hàng đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh.
Tạo đà cho kinh tế tập thể phát triển
Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể càng quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là việc phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền trong tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến kinh tế tập thể. Những năm qua, hội nông dân các cấp đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế tập thể phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương. Từ đó, nhân rộng các mô hình hay, cách quản lý hiệu quả, đồng thời tổ chức nhiều chương trình giúp các tổ hợp tác, HTX tiếp cận khoa học – kỹ thuật, nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các mô hình kinh tế tập thể là nơi nông dân được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Thành viên Hội quán Mai vàng, thị xã Chơn Thành gặp gỡ, trao đổi cách chăm sóc cây mai
Sản xuất nhỏ lẻ không còn phù hợp. Nông dân phải hướng tới nông nghiệp hữu cơ, các mô hình kinh tế tập thể, liên kết kinh doanh, đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu. Qua hoạt động, các mô hình kinh tế tập thể đã giúp nông dân có điều kiện được vay vốn, đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bà NGUYỄN THỊ HẬU, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Chơn Thành |
Có thể thấy, hiệu quả kinh tế tập thể góp phần rất lớn trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, xây dựng nông thôn mới. Để tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh có cơ hội phát triển, Liên minh HTX tỉnh với vai trò là cầu nối đã kết nối HTX, tổ hợp tác với các công ty, tổ chức triển khai thiết bị công nghệ cao vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, kiểm tra, hỗ trợ HTX trong thực hiện các hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Bình Phước đặt mục tiêu mỗi năm có 30 HTX được thành lập, đồng thời hỗ trợ HTX từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm…
“Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX phải xây dựng được những mô hình kinh doanh phù hợp thực tiễn và huy động được vốn điều lệ của các thành viên, ví dụ như mô hình dịch vụ đầu ra hay đầu vào, hoặc những mô hình phù hợp điều kiện HTX để phát huy thế mạnh…” – bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Báo Bình Phước
Nguồn tin: Ngô Thị Lụa (Cập nhập)