5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả ấn tượng với tổng kim ngạch 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2023. Theo đó, những mặt hàng chủ lực như: rau quả, gạo, gỗ, cá tra… tiếp tục cho thấy “sức bật” ở các thị trường truyền thống và mở rộng ra các thị trường “ngách”.
Theo NNPTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm tăng cao do hầu hết các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đều tăng. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%…
Đáng chú ý, nhiều loại nông sản xuất khẩu đã tăng giá rất mạnh so với cùng kỳ năm trước, đơn cử như: Gạo giá bình quân 638 USD/tấn, tăng 20,5%; cà phê giá bình quân 3.482 USD/tấn, tăng 49,9%, cao su 1.504 USD/tấn, tăng 8,8%; hạt tiêu 4.308 USD/tấn, tăng 39,3%.
Về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước như: Gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD, tăng 23,6%; cà phê 2,9 tỷ USD, tăng 44,1%, với lượng 833 nghìn tấn; gạo 2,65 tỷ USD, tăng 38,2%, với lượng 4,15 triệu tấn; điều 1,55 tỷ USD, tăng 19,3%, với lượng 288 nghìn tấn, tăng 30,6%; rau quả 2,59 tỷ USD, tăng 28,1%; tôm 1,3 tỷ USD, tăng 7,5%.
Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các thị trường đều tăng. Trong đó: xuất khẩu sang châu Á 11,31 tỷ USD (tăng 17,5%); châu Mỹ 5,4 tỷ USD (tăng 23,1%); châu Âu 3,2 tỷ USD (tăng 39,4%); châu Phi 459 triệu USD (tăng 26,1%) và châu Đại Dương 341 triệu USD (tăng 24,8%).
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ chiếm 20,6%, tăng 23,9%; Trung Quốc chiếm 19,2%, tăng 8,6% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh những thị trường truyền thống kể trên, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam cũng mở rộng ra các thị trường “ngách” – được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, đơn cử như: Úc, Singapore, Halal (các nước Hồi giáo), châu Phi và các nước Mỹ Latinh.
Là một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao ngay từ những tháng đầu năm, ngành rau quả đang trên đà hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức kỷ lục 6-6,5 tỷ USD. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – Đặng Phúc Nguyên cho biết, ngoài thị trường Trung Quốc là chủ lực, mặt hàng rau quả cũng được đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi.
Xuất khẩu gạo cũng vẫn tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng từ giữa năm 2023, điều đáng nói, giá bán gạo Việt Nam cũng ở mức cao, trung bình gần 650 USD/tấn. Mặt khác, thị trường xuất khẩu gạo cũng dần rộng mở hơn, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia mà đã thâm nhập ngày càng sâu vào thị trường EU, Mỹ và các thị trường châu Á khác.
Đơn cử như tại Singapore khi Việt Nam đã lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường này trong giai đoạn gần đây, đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ năm 2023.
Tận dụng tốt các hiệp định FTA
Với những kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm đạt được, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đạt kết quả này do thời gian qua, Bộ NNPTNT và toàn ngành đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tiếp tục chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Bên cạnh đó, các giải pháp khơi thông thị trường, ký kết các đơn hàng mới đã có hiệu quả, kết quả tốt nên tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 21%. Ông Tiến lấy ví dụ, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có đơn hàng đến tháng 8, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, ngoài phục vụ thị trường 100 triệu dân trong nước, ngành nông nghiệp sẽ triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…
Bên cạnh đó, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Đánh giá về xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Phan Thị Thắng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành đang hỗ trợ cho ngành nông nghiệp chuyển từ xuất khẩu thô sang gia tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh, tạo điều kiện doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, bắt nhịp xu hướng tiêu dùng của thị trường toàn cầu.
Đặc biệt, thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT tăng cường phối hợp thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam.
Nguồn tin: https://vca.org.vn/
Sưu tầm: Thùy Linh