73 năm – Một chặng đường xây dựng và trưởng thành

Ôn lại truyền thống lịch sử hình thành và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) hơn 73 năm qua, chúng ta có thể tự hào về những đóng góp quan trọng của phong trào HTX đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa tư tưởng hợp tác xã (HTX) vào Việt Nam. Ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức kinh tế HTX. Trong cuốn “Đường kách mệnh”, viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của HTX. Người đã nhấn mạnh: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, lý luận HTX đều nằm trong điều ấy.

Năm 1945, sau khi Việt Nam giành được độc lập, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến việc phát triển HTX. Ngày 11 tháng 04 năm 1946 Bác viết thư kêu gọi điền chủ nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt các cơ sở kinh tế hợp tác (lúc đầu là các tổ đổi công, tổ vần công) được hình thành, rồi đến HTX được phát triển mạnh mẽ vào những năm 50-60 của thế kỷ 20 và cho đến ngày nay. Trải qua các thời kỳ Cách mạng Việt Nam, khu vực kinh tế hợp tác, HTX luôn có những đóng gớp quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.

Để giáo dục truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của các HTX, động viên phong trào thi đua và phát triển kinh tế hợp tác ở nước ta và biểu dương, khen thưởng các hình thức thích hợp với các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng, phát triển phong trào HTX, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ngày 27 tháng 07 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1268/QĐ-TTg công nhận ngày 11 tháng 4 hàng năm là “Ngày HTX Việt Nam”.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1955: Hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào kinh tế hợp tác được hình thành và phát triển ở nhiều vùng tự do và căn cứ địa cách mạng.

Thời kỳ 1955 – 1960: Việc vận động xây dựng, phát triển phong trào HTX trong giai đoạn này thực sự là một phong trào cách mạng rộng lớn, thu hút được đại bộ phận hộ nông dân, hộ kinh tế cá thể và người lao động tham gia. Kết quả hoạt động của các HTX trong những năm 1955 – 1960 đã góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, góp phần thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn này phát triển với tốc độ cao.

Giai đoạn 1961 – 1965: phát huy những thành quả đã đạt được, phong trào kinh tế hợp tác, HTX tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý, xây dựng các HTX bậc cao với quy mô được mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng ngàn HTX trong các lĩnh vực phi nông nghiệp như tiểu thủ công nghiệp, mua bán, vận tải, tín dụng, xây dựng được thành lập, thu hút hàng triệu quần chúng nhân dân tham gia; Các HTX tín dụng cũng được phát triển mạnh ở khắp các vùng, các miền trên miền Bắc. Với gần 2.500 cơ sở, hoạt động của các HTX tín dụng đã tạo điều kiện hỗ trợ nông dân về vốn; góp phần hạn chế, xóa bỏ dần nạn cho vay nặng lãi.

Thời kỳ 1965 – 1975: Từ năm 1965, khi Đế quốc Mỹ đưa máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc, quy mô chiến tranh mở rộng. Với khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng”, “Tất cả để giải phóng miền Nam ruột thịt”. Các hợp tác xã được củng cố, phát triển và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc.

Trong giai đoạn này, mặc dù phải hoạt động trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, phong trào HTX vẫn được củng cố và phát triển. Trong nông nghiệp, các HTX được đổi mới, mở rộng quy mô (sáp nhập các HTX có quy mô nhỏ vào thành HTX có quy mô lớn, toàn xã); Nhiều phong trào sản xuất được phát động như phong trào xây dựng những cánh đồng 5 tấn/ha, phong trào học tập HTX nông nghiệp Đại Phong (Quảng Bình), HTX nông nghiệp Vũ Thắng (Thái Bình)…Đến cuối năm 1974, toàn miền Bắc có hơn 46.000 hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hầu hết các HTX nông nghiệp đã tổ chức lại theo quy mô toàn xã, thu hút 96% số hộ nông dân tham gia. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, trong những năm 1970 – 1974 bình quân tăng 11,8% chiếm hơn 32% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương. Các hợp tác xã mua bán cũng nâng tỷ trọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ xã hội lên 21%. Thái Bình là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về sản xuất nông nghiệp. Sau năm 1975, HTX nông nghiệp quy mô toàn xã có 362 HTX. 626 HTX phi nông nghiệp (Trong đó: 282 HTX mua bán, 280 HTX tín dụng, 115 HTX tiểu thủ công nghiệp, 34 HTX giao thông vận tải và 15 HTX xây dựng).

Thời kỳ 1975 – 1986: Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn  giải phóng, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, các HTX được phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Thực hiện chính sách cải tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 24 (khóa III) và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, với mục tiêu là đến năm 1980 hoàn thành cơ bản việc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Chỉ trong 4 năm (1976 – 1980) chúng ta đã xây dựng được 4.000 tổ đoàn kết sản xuất, 5.000 tổ hợp tác sản xuất và gần 1.000 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thu hút 70% lực lượng lao động trong các ngành nghề quan trọng và địa bàn sản xuất tập trung. Trong thương nghiệp đã xây dựng được HTX mua bán ở 92% số xã, lực lượng HTX mua bán cũng đã giúp Nhà nước nắm 80% nguồn hàng tiểu thủ công nghiệp của địa phương và 30% nguồn hàng nông sản.

Đến năm 1986, năm được coi là năm phát triển cao nhất của phong trào HTX ở Việt Nam, cả nước có 76.000 HTX trong các ngành, lĩnh vực kinh tế thu hút hơn 20 triệu xã viên tham gia.

Thời kỳ 1987 đến nay: Từ năm 1987, thực hiện đường lối đổi mới được đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã có những biến đổi quan trọng; có thể nói từ năm 1987 đến năm 1996 là giai đoạn khó khăn nhất của các HTX ở nước ta. Khi cơ chế quản lý tập trung bao cấp từng bước được xóa bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước được hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế; phần lớn các HTX trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, lúng túng, nhiều HTX sản xuất kinh doanh thua lỗ bị tan rã, giải thể. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có một bộ phận HTX đã kịp thời chuyển đổi thích ứng với cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả.

Từ khi Luật HTX đầu tiên được Quốc hội ban hành vào cuối năm 1996, có hiệu lực thi hành từ 01-07-1997 đến Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hợp tác xã nước ta củng cố, đổi mới, phát triển bền vững.

Đến cuối năm 2015, cả nước có trên 150.000 tổ hợp tác, 18.024 HTX. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 10.452 HTX; thương mại- dịch vụ có 1.424 HTX; xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng có 846 HTX; công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp có 2.187 HTX; vận tải có 965 HTX; tài chính- tín dụng có 1.145 Quỹ TDND; các lĩnh vực, ngành nghề khác là 1.005 HTX và 41 liên hiệp HTX thu hút khoảng 13 triệu thành viên và người lao động. Toàn tỉnh Thái Bình có 518 HTX và Quỹ TDND (Trong đó: HTX Nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản có 329 HTX; HTX tiểu thủ công nghiệp là 26 HTX; HTX xây dựng 02 HTX; Quỹ TDND 85 quỹ; HTX thương mại dịch vụ 10 HTX; HTX giao thông vận tải 11 HTX; HTX điện năng 55 HTX).

Đến 31/12/2018, tỉnh Thái Bình có 434 HTX, 151 tổ hợp tác, trong đó 324 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và thủy sản; 14 HTX Tiểu thủ công nghiệp; 2 HTX xây dựng; 4 HTX Thương mại, dịch vụ; 5 HTX giao thông vận tải; 85 Quỹ TDND. Tổng số thành viên của các HTX là 525.595 người, tổng số lao động thường xuyên trong các HTX 9.980 người. Lãi bình quân của các HTX đạt 92 triệu đồng/năm, thu nhập của người lao động trong HTX đạt 32 triệu đồng/năm.Tổng số cán bộ quản lý, cán bộ điều hành của HTX là 3.084 người, số cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã có trình độ đại học là 1.171 người chiếm 37,97%, có trình độ trung cấp, sơ cấp là 1.913 người chiếm 62,03%.

Về kinh tế, trong những năm qua khu vực HTX đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Quan trọng hơn, hoạt động của các HTX đã thực sự có tác dụng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo ra mối liên kết, hợp tác giữa các hộ xã viên trong HTX và giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản, lương thực. Các HTX thông qua tổ chức và hoạt động của mình đã huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới.

Về xã hội, với tính chất là tổ chức kinh tế – xã hội, các HTX đã tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 13 triệu người, đặc biệt là các đối tượng xã hội, góp phần giúp nhiều hộ thoát khỏi đói nghèo, ổn định đời sống. Các HTX còn là nơi giáo dục ý thức cộng đồng, đề cao các giá trị văn hóa, đạo đức, phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng làm giàu, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Các HTX ở các vùng, miền trong cả nước còn thể hiện rõ vai trò tích cực của mình trong việc góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an ninh quốc phòng, tham gia củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở…

Trong những năm qua, Liên minh hợp tác xã tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, cụ thể là: Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014, Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Chính phủ; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 27/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2016 – 2020; đồng thời làm tốt công tác tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển Kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2017 – 2025, Đề án Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, tham mưu thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể  tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai Nghị quyết TW 7 (khoá X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chính sách, nghị quyết của TW, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới; quán triệt tới các tổ chức thành viên kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, Thông tri số 28-TTr/TU của Tỉnh uỷ Thái Bình về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, suốt những năm qua các HTX, Liên minh HTX tỉnh Thái Bình đã được Chính phủ, Liên minh HTX Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh trao tặng nhiều hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua: Đã có 08 tập thể được tặng cờ của Liên minh HTX Việt Nam, 03 tập thể được tặng cờ của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh, 03 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 01 Bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 143 Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam, 64 Bằng khen của UBND tỉnh, 25 Bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh và 301 Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển HTX,…

Phát huy truyền thống 73 năm qua, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; tích cực chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX; tham gia tích cực vào việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; củng cố, kiện toàn nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực, trình độ, chất lượng hoạt động của Liên minh HTX tỉnh, phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Với niềm tin tưởng sâu sắc, phát huy những thành tích to lớn mà khu vực kinh tế tập thể đã đóng góp trong 73 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX tiếp tục đẩy mạnh quá trình củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Nhân dịp này, Liên minh hợp tác xã tỉnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, sự cộng tác, phối hợp của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đã giúp cho phong trào xây dựng và phát triển hợp tác xã trong tỉnh ngày một phát triển, vững mạnh. Thời gian tới khu vực kinh tế tập thể mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực  phấn đấu tích cực của Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị thành viên để kinh tế tập thể tỉnh nhà có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

TIN TỨC MỚI

THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

VIDEO