Những người dành trọn tâm huyết với nghề làm nón Mão Cầu, Hưng Yên

Thôn Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên được biết đến với nghề truyền thống làm nón lá hơn 70 năm. Hiện nay, cùng với sự ra đời của nhiều sản phẩm che nắng, che mưa, làng nghề làm nón đứng trước nhiều thách thức mới. Thế nhưng vẫn còn đó những con người cần mẫn cố gắng gìn giữ nghề quê hương.

Thôn Mão Cầu được UBND tỉnh Hưng Yên cấp bằng công nhận là làng nghề truyền thống sản xuất nón lá từ năm 2003.
Thế nhưng, hiện nay ở làng còn rất ít hộ dân theo nghề vì thời gian làm ra 1 chiếc nón thành phẩm cần từ 7-8 tiếng và thu nhập không cao.
Chị Phạm Thị Dinh (Chủ xưởng sản xuất nón lá – Thôn Mão Cầu, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Số lượng làm nón giảm do nhu cầu sử dụng không còn nhiều như những năm trước. Hiện nay, trong thôn có khoảng 100 người dân nhận gia công nón lá cho chị. Mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất khoảng 100 chiếc nón lá và thu mua hàng trăm chiếc của người dân trong thôn. Sản phẩm làm ra được đưa đi tiêu thụ khắp trong và ngoài tỉnh với giá bán từ 40.000 đến 200.000 đồng/chiếc”.
Là một vùng thuần nông, nghề làm nón lá đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân tại địa phương những lúc nông nhàn.
Bà Nhữ Thị Toản (75 tuổi, một người thợ thôn Mão Cầu) với 60 năm kinh nghiệm đang say sưa làm nón. Với bà, nón lá không đơn giản là vật để che mưa che nắng mà nó còn là đại diện cho người phụ nữ Việt truyền thống và là một trong những biểu tượng của người nông dân Việt Nam chăm chỉ, hiền lành, chất phác.
Chị Nguyễn Thị Thủy (Mão Cầu, Hưng Yên) chia sẻ: “Ðể làm ra một chiếc nón lá hoàn hảo, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn và phải thật tỉ mỉ trong từng khâu từ mua nguyên vật liệu, phơi lá, ủi lá, làm vành đến khâu nón. Đối với chị, nghề làm nón này không chỉ là nghề để chị kiếm sống mà còn là niềm yêu thích và sự tự hào vì đây là nghề truyền thống của quê hương.
Một trong những công đoạn để tạo ra một chiếc nón đẹp là làm khung nón. Vành nón được làm từ cật tre và được vót thủ công bằng tay, cố định hai đầu bằng sợi chỉ cước, công đoạn này đòi hỏi người thợ phải làm ra được khung đẹp, đều, tròn vành và chắc chắn.
Lá nón được nhập từ Thanh Hóa rồi vận chuyển về Hà Đông. Sau đó được phân phối khắp các tỉnh thành có nhu cầu sử dụng. Lá sau khi được mua về phải phơi khô, tẽ lá rồi là lá. Khi là lá lưu ý là nhanh tay để lá không bị cháy.
Từng chiếc lá được lựa chọn một cách kĩ càng để đảm bảo lớp áo của chiếc nón phải thật hoàn hảo nhất.
Người thợ khéo léo sắp xếp các lớp lá, lớp mo giúp chiếc nón bằng phẳng, không tạo ra các nếp nhăn hoặc lồi lõm, tạo tính thẩm mĩ cao.
Bà Hoàng Thị Loan (Mão Cầu, Hưng Yên) chia sẻ: “Nghề làm nón yêu cầu tính tỉ mỉ, chăm chút, không nóng vội.; người thợ trau chuốt cho từng lớp lá, cắt khung viền một cách gọn gàng. Nhìn cái nón phải đẹp mắt, ưa nhìn, mình hài lòng thì người mua mới yên tâm”.
Làm nón lá có 8 công đoạn, công đoạn khó nhất là khâu kim. Cái tài của người thợ thôn Mão Cầu là các mối nối, sợi móc khi khâu được giấu kín và khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu
Với người dân Mão Cầu, nghề làm nón lá là niềm tự hào, nét đặc trưng riêng của làng nói riêng và của tỉnh Hưng Yên nói chung
Là người trong nghề với gần 30 năm kinh nghiệm, cùng với tình yêu và lòng mong muốn nghề làm nón được lưu giữ và phát triển, chị Phạm Thị Phượng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bày tỏ: “Thật sự rất đáng lo vì ngày càng ít người học nghề này, tôi mong rằng các thế hệ sau sẽ quan tâm hơn tới nghề làm nón và không chỉ dừng ở việc duy trì mà cần phát triển, sáng tạo chiếc nón ngày càng nghệ thuật và đẹp mắt hơn”.

Nguồn tin: https://baohungyen.vn/

Sưu tầm: Thùy Linh

TIN TỨC MỚI

THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

VIDEO