- Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương
Qua 10 năm hoạt động, với số vốn điều lệ được cấp ban đầu còn hạn chế (chỉ có 100 tỷ đồng được cấp từ ngân sách nhà nước), trong bối cảnh có không ít khó khăn cả về chủ quan và khách quan, đến hết năm 2017, Quỹ đã triển khai cho vay 107 dự án đầu tư của các hợp tác xã trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố với tổng số vốn vay theo hợp đồng tín dụng là 235.713 triệu đồng (số vốn đã giải ngân: 222.993 triệu đồng). Dư nợ thời điểm 31/12/2017: 96 tỷ đồng.
Nhìn chung hoạt động của Quỹ TW những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên cơ chế hoạt động của Quỹ còn có nhiều hạn chế, bất cập, chưa tương xứng với vị trí vai trò trong việc hỗ trợ phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn cả nước.
- Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX các tỉnh, thành phố
Hiện nay, cả nước đã có 47 Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã các tỉnh, thành phố được thành lập với tổng số vốn hoạt động là 1.470.509 triệu đồng. Nhìn chung, sự ra đời của các Quỹ HTPT HTX địa phương đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tập thể, thúc đẩy quá trình thành lập mới các tổ hợp tác, các hợp tác xã; khuyến khích các hợp tác xã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, đổi mới sản phẩm, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề mới, duy trì và phát huy các ngành nghề truyền thống, mở rộng thị trường, tăng quy mô, doanh thu, lợi nhuận, sức cạnh tranh; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; góp phần đẩy mạnh sự liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; xây dựng và nhân rộng các mô hình mới, mô hình điển hình tiên tiến; tăng cường sự gắn kết giữa Liên minh hợp tác xã với hợp tác xã và giữa hợp tác xã với thành viên.
- Mục tiêu, quan điểm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã
3.1. Mục tiêu
Xây dựng hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ trung ương đến địa phương đảm bảo sự liên kết bền vững; thống nhất về cơ chế hoạt động phù hợp với năng lực, trình độ để đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, trên cơ sở hoàn thiện đồng bộ khuôn khổ pháp lý của Nhà nước, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp, đồng thời tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường. Từ đó, nâng cao năng lực cung ứng vốn tín dụng (dịch vụ công) phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện cho tất cả các hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững đều tiếp cận được vốn từ hệ thống Quỹ; đồng thời nâng cao vị thế vai trò của hệ thống Liên minh hợp tác xã trong phát triển kinh tế xã hội.
3.2. Quan điểm
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trên cơ sở thống nhất, liên kết hệ thống phải đảm bảo các nguyên tắc:
– Phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật về dân sự, Luật hợp tác xã và quy định pháp luật khác có liên quan; Nghiên cứu các cơ chế quy định đối với các tổ chức tín dụng để áp dụng cho phù hợp với năng lực, trình độ, đặc điểm của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã;
– Đảm bảo sự thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và công nghệ quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp cơ chế thị trường giữa Quỹ trung ương và Quỹ địa phương, trong đó Quỹ trung ương đóng vai trò đầu mối;
– Có sự phối hợp trong cơ chế hoạt động và chia sẻ lợi ích từ ủy thác cho vay, hợp vốn đồng tài trợ, đến công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có phân công, phân cấp nhằm hợp tác, tương trợ cùng phát triển.