Họ là những nông dân dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn, thất bại để tìm kiếm hướng đi mới, sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. Qua đó, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Làm giàu từ cây rau
Theo chân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) – Trần Thanh Minh, chúng tôi đến vườn rau hữu cơ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm của anh Nguyễn Văn Thành (thành viên HTX Rau an toàn Phước Hiệp). Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật canh tác nên anh giảm 50% chi phí sản xuất và được HTX đến tận vườn thu mua cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg rau. Trung bình mỗi vụ, anh Thành thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng.
Nhìn những béc tưới tự động xoay vòng trong vườn rau xanh mướt, anh Thành chia sẻ, trước đây, anh trồng cây tùng nhưng hiệu quả kinh tế không cao, do đó, anh chuyển sang trồng rau. Thời gian đầu, anh cũng như nhiều nông dân địa phương chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống, chạy theo sản lượng, sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học. Khi nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng buộc nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, anh quyết định chuyển sang trồng rau theo hướng hữu cơ.
Để nâng cao kỹ thuật, anh tích cực tìm hiểu và tham gia các khóa tập huấn về sản xuất rau quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ứng dụng công nghệ cao do ngành Nông nghiệp địa phương tổ chức. Sau khi nắm vững kiến thức, năm 2018, anh bắt tay vào làm. Đầu tiên, anh đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn rau. Theo đó, hệ thống tưới tự động được lắp đặt cố định dưới mặt đất theo khoảng cách cần thiết, anh chỉ mở khóa là béc tự động phun nước tưới rau. Sử dụng hệ thống tưới nước tự động này, anh chỉ mất gần 1 giờ để tưới vườn rau 0,6ha.
“Nhờ có hệ thống tưới tự động mà độ ẩm của vườn rau được duy trì rất tốt, đặc biệt là tiết kiệm nước, thời gian, công lao động. Bên cạnh đó, tôi cũng sử dụng phân hữu cơ bón lót và thuốc bảo vệ thực vật đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm bảo đảm nguồn rau sạch, chất lượng cho người tiêu dùng” – anh Thành chia sẻ thêm.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, việc chủ động đầu tư hệ thống tưới nước tự động của anh Thành là một trong những mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích đối với sản xuất nông nghiệp. Việc phun tưới tự động không chỉ giúp nông dân đỡ tốn công lao động, tiết kiệm chi phí vật tư mà quan trọng hơn là còn tiết kiệm được nguồn nước tưới. Đặc biệt, việc phun tưới tự động giúp các loại cây trồng thẩm thấu nước từ từ, nhờ đó, cây sinh trưởng, phát triển tốt, an toàn, hạn chế sâu, bệnh và đạt năng suất cao.
Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Trước kia, gia đình anh Văn Thanh Liêm (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) và nhiều nông dân nơi đây chưa biết đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng, chủ yếu sử dụng sức lao động là chính. Điều này không chỉ làm chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận thấp mà việc tìm kiếm nhân công lao động ngày càng khó khăn. Do đó, anh Liêm ấp ủ ý định ứng dụng khoa học – kỹ thuật (KHKT)nhằm giảm nhân công, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.
Để làm được điều này, anh theo học ngành Bảo vệ thực vật và tham khảo, nghiên cứu các dòng máy khác nhau nhằm đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng từ khâu làm đất đến thu hoạch như máy cấy, máy bay phun thuốc, máy sạ hàng,… Đặc biệt, anh còn sang Trung Quốc tìm hiểu kỹ thuật sử dụng các loại máy ứng dụng trên đồng ruộng. Sau quá trình nghiên cứu, học hỏi, anh bàn bạc với gia đình đầu tư 1 máy cấy, 1 máy bay phun thuốc phục vụ trên 30ha lúa của gia đình. Anh Liêm cho biết: “Khi sử dụng máy cấy giảm từ 150kg lúa giống/ha còn 100kg lúa giống/ha, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 30%/ha. Với những hiệu quả của việc ứng dụng máy móc, thiết bị vào đồng ruộng, gia đình tôi đầu tư thêm máy cấy, máy bay phun thuốc để làm dịch vụ. Hiện gia đình tôi có 2 máy cấy, 7 máy bay phun thuốc, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 50 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng”.
Không chỉ áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, anh Liêm còn mở cửa hàng chuyên kinh doanh, sửa chữa thiết bị máy bay phun thuốc không người lái. Đây là cách anh Liêm chuyển giao KHKT cho nông dân, góp phần xây dựng vùng lúa chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập – Huỳnh Thanh Phong thông tin: “Hiện xã có trên 95% người dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, số còn lại sản xuất nhỏ, lẻ. Đạt được kết quả này, anh Liêm hỗ trợ địa phương rất nhiều bằng việc tổ chức các hội thảo đầu bờ, chuyển giao KHKT,… Có thể nói, anh Liêm là nông dân tiên phong ở địa phương thực hiện tốt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Dám nghĩ, dám làm
Chia tay anh Văn Thanh Liêm, chúng tôi ngược về xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng gặp anh Trương Hữu Trí – một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và có uy tín ở địa phương.
Đón chúng tôi tại trụ sở làm việc khang trang của HTX Nông nghiệp Gò Gòn, anh Trí kể: “Vùng đất Hưng Thạnh nói riêng, huyện Tân Hưng nói chung, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Song, những năm qua, điệp khúc “được mùa, mất giá”, nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng làm đời sống nông dân càng khó khăn hơn. Nông sản bán phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái”.
Năm 2005, anh tham gia HTX Nông nghiệp Gò Gòn và giữ chức vụ Giám đốc HTX. Với vai trò lãnh đạo, anh Trí lên kế hoạch hoạt động với những mục tiêu cụ thể, thiết thực và lộ trình bài bản theo từng giai đoạn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Ngoài ra, anh còn liên kết công ty cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào để trở thành đại lý cấp 1 và tìm được nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng phân phối lại cho thành viên với mức giá tốt nhất, giúp thành viên giảm một phần chi phí sản xuất. Về vấn đề chuyển giao KHKT anh nghiên cứu các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho kinh tế hợp tác để tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ. Riêng đối với việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản, anh lựa chọn, tìm hiểu kỹ từng doanh nghiệp mới bắt đầu ký kết nhằm bảo đảm quyền lợi của hai bên. Nhờ vậy, đến nay, HTX Nông nghiệp Gò Gòn không ngừng phát triển, đời sống thành viên ngày càng nâng lên, nhất là không còn phải chịu cảnh “được mùa, mất giá”.
Nhiều năm gắn bó với nông dân và ngành Nông nghiệp, anh Thành, anh Liêm và anh Trí nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Thế nhưng với họ, chỉ cần nhìn thấy người dân quê mình có được cuộc sống ổn định, ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững là điều hạnh phúc nhất./.