Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều hộ dân ít đất sản xuất trên địa bàn xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, tạo hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình.
Từng là hộ nghèo, nhà cửa xiêu vẹo nhưng nhờ trồng rau màu đã giúp anh Lê Hoàng Hai – Giám đốc Hợp tác xã trồng màu Thạnh Trúc, xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) vươn lên có cuộc sống khá giả.
Trước đây, anh Hai có 5 công đất sản xuất rau màu cho thu nhập ổn định, đến nay anh mua thêm 22 công đất sản xuất lúa, xây được nhà khang trang, nuôi các con học đại học, có việc làm ổn định.
Anh Hai là hộ đi đầu trồng rau màu ở ấp Thạnh Trúc năm 1994. Từ hiệu quả trồng rau màu của anh Hai, đến năm 2000 nhiều hộ dân trong ấp Thạnh Trúc cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Tuy nhiên, những năm 2000, việc trồng rau màu ở ấp Thạnh Trúc chỉ tự phát, hiệu quả chưa cao. Đến năm 2018, Ủy ban nhân dân xã Thạnh Trị ra mắt Hợp tác xã trồng màu Thạnh Trúc tạo hướng đi mới cho người dân.
Theo đồng chí Huỳnh Chí Công – Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị, từ khi thành lập hợp tác xã giúp việc trồng rau màu của người dân thuận lợi hơn. Chính quyền địa phương phối hợp ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay đầu tư sản xuất.
Người dân có vốn, cải tạo đất thành các liếp, xẻ mương dẫn nước tưới tiêu, sử dụng máy tưới và kết hợp màng phủ nông nghiệp giúp việc trồng rau màu vừa tiết kiệm sức lao động vừa hạn chế sâu bệnh.
Nông dân trong Hợp tác xã trồng màu Thạnh Trúc trồng nhiều nhất là dưa leo, ngoài ra còn trồng khổ qua, bí đao… Thông thường nông dân trồng 3 vụ rau màu trong năm. Mỗi vụ dưa leo tầm 2 tháng, năng suất 3-4 tấn/công, giá 5.000 đồng/kg, trừ chi phí nông dân lãi khoảng 10 triệu đồng/công. Bình quân lợi nhuận từ trồng rau màu khoảng 20-30 triệu đồng/công/năm
Nhiều nông dân xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết đã có kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất nên trồng rau màu đạt năng suất cao. Nông dân không sản xuất cùng một loại rau màu mà chia diện tích đất trồng nhiều loại như dưa leo, bí đao, khổ qua… để tránh tình trạng chỉ có một mặt hàng, rơi vào cảnh được mùa mất giá.
Anh Lê Hoàng Hai cho biết: “Nông dân trong Hợp tác xã trồng màu Thạnh Trúc sản xuất theo hướng an toàn, sử dụng thuốc sinh học, bón 70% phân hữu cơ kết hợp 30% phân vô cơ và có thời gian cách ly phân bón thuốc sinh học trước khi thu hoạch”.
Từ việc trồng rau màu giúp nông dân Hợp tác xã trồng màu Thạnh Trúc nói riêng và các hộ dân trồng rau màu trên địa bàn xã Thạnh Trị nói chung dần vươn lên ổn định cuộc sống.
Đồng chí Lê Ngọc On – Phó trưởng ấp Thạnh Trúc nói: “Toàn ấp Thạnh Trúc có 8,4ha trồng rau màu. Trồng rau màu tuy tốn công chăm sóc nhưng người dân có thu nhập khá, rất phù hợp cho hộ dân có ít đất sản xuất. Nhiều hộ dân trong ấp nhờ trồng rau màu vươn lên thoát nghèo, có hộ vươn lên khá giả”.
Anh Huỳnh Văn Sơn, ngụ ấp Thạnh Trúc hiện có 3,5 công đất trồng rau màu. Dù ít đất sản xuất nhưng nhờ trồng rau màu gối vụ quanh năm giúp anh Sơn thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Anh Sơn so sánh nếu trồng lúa thì mỗi công đất cho lãi tầm 5 triệu đồng/năm, cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Anh Huỳnh Văn Sơn nói: “Bí đao rẻ nhất giá 3.000 đồng/kg thì nông dân có lãi ít với vài triệu đồng, nhưng dù sao cũng có thu nhập thường xuyên. Vì vậy dù chỉ có 3,5 công đất trồng màu nhưng vẫn giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.
Xã Thạnh Trị có 32ha trồng rau màu, trong đó khu vực chuyên canh rau màu ở ấp Thạnh Trúc, còn lại người dân trồng rải rác trên địa bàn xã. Đồng chí Nguyễn Thành Hiển – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị cho biết xã tiếp tục tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, nhất là sản xuất theo hướng an toàn nhằm nâng cao chất lượng nông sản và hướng tới ổn định đầu ra.
Nguồn tin: https://vca.org.vn/
Sưu tầm: Thùy Linh