Hệ thống trường đào tạo của Liên minh HTX Việt Nam

  1. Mạng lưới cơ sở bồi dưỡng cán bộ

– Ở Trung ương, Trường Bồi dưỡng cán bộ là đơn vị có chức năng bồi dưỡng cán bộ Liên minh HTX các cấp và cán bộ chủ chốt HTX. Ngoài ra, còn có Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX miền Nam tham gia hoạt động bồi dưỡng cán bộ HTX.

– Ở địa phương, gần 50 Liên minh HTX cấp tỉnh có  trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển HTX tham gia hoạt động bồi dưỡng cán bộ HTX.

– Trường Bồi dưỡng cán bộ tập trung bồi dưỡng cho các đối tượng là cán bộ quản lý HTX như: Hội đồng quản trị HTX; Ban Giám đốc HTX; Ban kiểm soát HTX; Kế toán trưởng; Cán bộ nghiệp vụ HTX theo các chuyên đề phù hợp với đòi hỏi trong công tác quản lý HTX. Các chương trình bồi dưỡng cán bộ HTX được chú trọng xây dựng và phát triển theo hệ thống ngân hàng chương trình nhằm đảm bảo tính hợp lý và tính chất đặc thù của khu vực HTX.

– Nội dung đào tạo tập trung vào việc củng cố, hoàn thiện, nâng cao phương pháp và kỹ năng giảng dạy (đánh giá nhu cầu, phát triển tài liệu giảng dạy, kỹ năng tổ chức lớp tập huấn thành công, kỹ năng điều hành, quản lý lớp. Bổ sung kiến thức liên quan, theo yêu cầu từ người học (Quản trị thương hiệu, Nâng cao năng lực lãnh đạo, Lập kế hoạch kinh doanh, …). Ngoài ra, Trường còn tổ chức đi thực tế, tham quan, học hỏi từ HTX nhằm giúp giảng viên có thêm những kinh nghiệm giảng dạy.

– Hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành hệ thống Chương trình khung và phổ biến tới các cơ sở bồi dưỡng và Liên minh HTX cấp tình. Trên cơ sở chương trình khung và bộ giáo trình bồi dưỡng ba chức danh, nội dung chương trình, tài liệu thường xuyên được nghiên cứu, hoàn thiện. Việc tổ chức xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ HTX luôn được bảo đảm phù hợp với từng phương pháp bồi dưỡng được áp dụng với từng cấp độ cụ thể.

Từ năm 2015, Trường Bồi dưỡng cán bộ đã phối hợp với chuyên gia của Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA) phát triển hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy: cung cấp giáo trình, tài liệu tham khảo liên quan đến đào tạo giảng viên; kinh nghiệm phát triển theo mô hình HTX Hàn Quốc; tham gia giảng dạy một số chuyên đề cho cán bộ, viên chức; Phối hợp với chuyên gia KOICA tổ chức Hội thảo chuyên đề về khả năng tổ chức hội thảo về xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn.

Phối hợp với tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện Dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi” của tổ chức SNV hỗ trợ cho cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp tại tỉnh Quảng Bình, Bình Định nâng cao năng lực thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn với chuyên đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo” và “Marketing cho các sản phẩm nông nghiệp”.

Trường Bồi dưỡng cán bộ đã phối hợp với Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV): tổ chức thành công 02 hội nghị tập huấn cho đội ngũ giảng viên, cán bộ tư vấn tại Thanh Hóa và Bà Rịa – Vũng Tàu, được đánh giá cao về công tác tổ chức, chất lượng giảng viên và nội dung các chuyên đề

Hỗ trợ, cung cấp tài liệu và cử giảng viên tham gia giảng dạy cho hàng chục liên minh HTX các tỉnh, thành phố. Phối hợp với Hội cựu chiến binh Việt Nam trong việc bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp cán bộ chủ chốt HTX là cựu chiến binh.

Làm đầu mối trong việc phối hợp và giữ mối quan hệ giữa các tổ chức quốc tế với Liên minh HTX Việt Nam: Vườm ươm công nghệ tại Cần Thơ KVIP; tổ chức phát triển của Đức GIZ để tìm hiểu và xin chuyên gia tình nguyện; Hiệp hội máy công cụ Hàn Quốc; Viện công nghệ Hàn Quốc (KITECH) để thảo luận những phương án hỗ trợ chuyển giao công nghệ bảo quản chuỗi đông lạnh cho các HTX; Ban Giáo dục tỉnh Tây Java Indonexia sang học tập, trao đổi kinh nghiệm với Liên minh HTX Việt Nam.

Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN)

Hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam đã hình thành hệ thống cơ sở GDNN cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX, bao gồm 05 trường như sau:

– Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật- Trung ương (thành lập năm 2009 trên cơ sở chuyển đổi, sáp nhập từ Trường cán  bộ HTX và doanh nghiệp nhỏ và Trường Trung học Quản lý và Công nghệ);

– Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam (thành lập năm 2008 trên cơ sở nâng cấp trường Trung cấp nghề Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam);

– Trường Cao đẳng nghề Kinh tế – Kỹ thuật Bắc bộ (thành lập năm 2009 trên cơ sở nâng cấp từ trường Trung cấp nghề Kinh tế – Kỹ thuật vùng đồng bằng Bắc bộ). Trường đạt tiêu chuẩn kiểm định cấp độ 3 của Bộ LĐ – TBXH (cấp độ cao nhất về đào tạo dạy nghề)

– Trường Trung cấp nghề Kinh tế – Kỹ thuật và đào tạo cán bộ HTX miền Trung – Tây Nguyên (thành lập năm 2009);

– Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX miền Nam (thành lập năm 2011).

Về nội dung GDNN

Nội dung GDNN của các trường, trung tâm đã từng bước được điều chỉnh và bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, HTX.

Đối với GDNN hệ cao đẳng, trung cấp đã tập trung vào các nội dung đào tạo về kế toán; tài chính, ngân hàng; quản trị kinh doanh; công nghệ thông tin…. Các nghề chủ yếu được đào tạo là công nghệ chế tạo Vỏ tàu thủy; nghề Hàn; Điện Công nghiệp; Quản trị Mạng; Công nghệ Ô tô; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Mỹ nghệ; May….

Ngoài những nội dung liên quan tới các chương trình và chuyên ngành đào tạo, các trường đã chú trọng đưa những kiến thức về HTX vào nội dung giảng dạy như: Kế toán HTX; Tổ chức quản lý HTX; những vấn đề cơ bản về HTX và các mô hình HTX trong nước và quốc tế; Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX.

Về chương trình, tài liệu đào tạo nghề nghiệp:

Các chương trình GDNN được chú trọng xây dựng và phát triển,  đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổng cục GDNN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Về cơ bản, các trường căn cứ chương trình khung của Tổng cục GDNN để xây dựng hệ thống các chương trình đào tạo, gồm kiến thức, kỹ năng bắt buộc và phần tự chọn, tự biên soạn chương trình.

Đối với chương trình tự chọn, các trường căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động theo ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, để đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của khu vực HTX các trường thường xuyên nghiên cứu, hoàn thiện chương trình, tài liệu theo hướng:

+ Cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung các chương trình, tài liệu đang sử dụng theo các nội dung và đối tượng GDNN như những kiến thức cơ bản về quản trị HTX, lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và điều hành cuộc họp, kỹ năng soạn thảo văn bản trong HTX,…

+ Biên soạn mới các chương trình, tài liệu mang tính chất chuyên biệt, ở mức độ trình độ nâng cao và những nội dung GDNN, các kiến thức tổng hợp liên quan đến hoạt động của HTX.

Về phương thức đào tạo nghề nghiệp:

Trên cơ sở nhu cầu GDNN, các trường thực hiện phân loại các đối tượng, mục tiêu, nội dung đào tạo để vận dụng các hình thức và phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Đặc biệt, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế-Kỹ thuật Bắc bộ đã áp dụng mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, HTX.

Đối với giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, ngoài đào tạo tại trường, các trường còn phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, thành phố để tổ chức dạy nghề tại địa phương.

Về đội ngũ cán bộ, giảng viên

Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Liên minh HTX các cấp, các trường không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên. Đến nay, đã có 100% giáo viên, giảng viên đã có trình độ đại học và trên đại học.

Ngoài ra, các trường, trung tâm có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng từ các trường đại học, cao đẳng; các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam; Liên minh của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các ban ngành đoàn thể ở Trung ương và của các tỉnh; các nghệ nhân làng nghề. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên toàn hệ thống chưa tương xứng cả số lượng và trình độ, đặc biệt kiến thức về kinh tế hợp tác, HTX, nhằm đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu đòi hỏi phát triển khu vực  kinh tế hợp tác, HTX.

TIN TỨC MỚI

THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

VIDEO