Dư địa phát triển khu vực kinh tế tập thể còn rất lớn nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong những khu vực kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Trong thời gian vừa qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Thông qua tổ chức kinh tế tập thể, các thành viên, nông dân sản xuất đã liên kết lại với nhau nhằm phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô, tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất đi đôi với việc tiết giảm chi phí sản xuất, tối ưu hóa nguồn lực, kiểm soát chất lượng, thực tế cho thấy dư địa phát triển khu vực kinh tế tập thể còn rất lớn nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Ở nước ta, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý chung để kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, Đảng và Nhà nước còn có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, để giảm bớt khó khăn, tiết kiệm chi phí, tăng cường năng lực sản xuất và sức cạnh tranh cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã so với các thành phần kinh tế khác. 

Trong bài viết này, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông tin về một số nội dung chính sau: (1) Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; (2) Thực trạng các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện nay; (3) Phương hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới.

  1. Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 HTX, 137 LHHTX và 71.500 THT. Trong tổng số HTX toàn quốc có 20.500 HTX nông nghiệp (chiếm 66,7%) và gần 10.200 HTX phi nông nghiệp (chiếm 33,3%). So với năm 2022, tổng số HTX năm 2023 tăng 1.261 HTX (tăng 4%); LHHTX tăng 07 LHHTX (tăng 5,4%) và số THT tăng 700 THT (tăng 1%). Số HTX thành lập mới năm 2023 là 2.986 HTX (tăng 291 HTX, tăng 10,8% so với năm 2022), bình quân 250 HTX thành lập mới/tháng. 

Nhìn chung các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của HTX, LHHTX và THT đều tăng so với năm 2022, đặc biệt là quy mô sản xuất. Xu hướng hợp tác cũng đã được mở rộng, đi vào thực chất. Đến nay đã có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp, trong khi đó tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%…

  1. Thực trạng chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện nay

Năm 2002, tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về kinh tế tập thể số 13/NQ- TW ngày 18/03/2002. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Luật HTX vào các năm 1996, 2003, 2012 cùng với các Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ, các Quyết định số số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020; số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTTX, HTX giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã ban hành Thông tư nhằm tạo khung pháp lý cơ bản để hỗ trợ, khuyến khích KTTT, HTX phát triển.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, LHHTX lĩnh vực nông nghiệp, chỉ một số ít HTX phi nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. 

Thứ hai, số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít. 

Thứ ba, ngân sách Nhà nước chưa cân đối, bố trí được nguồn riêng, kinh phí hỗ trợ lồng ghép vào nhiều chương trình, nguồn lực hạn hẹp, thấp xa so với yêu cầu. 

Thứ tư, tiêu chí HTX thụ hưởng còn chưa phù hợp, thủ tục hành chính phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn từng địa phương, không xuất phát từ nhu cầu, năng lực của các HTX; chưa có cơ chế đặc thù cho các HTX trong việc sử dụng ngân sách, gây khó khăn trong triển khai.  

Thứ năm, nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng tham gia vào thực hiện các chính sách hỗ trợ nên việc thực hiện chính sách còn chồng chéo về nội dung, đối tượng thụ hưởng làm giảm hiệu quả nguồn lực (đặc biệt là nội dung về đào tạo, tập huấn). 

Thứ sáunăng lực và kinh nghiệm của bộ máy quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cho các HTX chưa đáp ứng yêu cầu (thiếu về số lượng và yếu về chất lượng). Năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể còn hạn chế, hoạt động chưa thực sự minh bạch, chủ động, chưa phát huy được nội lực thành viên và phục vụ thành viên; còn hiện tượng HTX thành lập mục đích để trục lợi chính sách của Nhà nước hoặc theo phong trào, không xuất phát từ nhu cầu của thành viên.

  1. Khung pháp lý cho hỗ trợ, phát triển KTTT giai đoạn tới

Nhằm xác định mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển cho khu vực KTTT, HTX trong các thời kỳ trung và dài hạn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025. Hằng năm, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ban hành Kế hoạch phát triển KTTT, HTX của cả nước làm định hướng cho các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực, địa bàn quản lý. 

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành nhiều đề án nhằm thực hiện những mục tiêu trong ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên như: Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025; Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021-2025, Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” và Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”.

Với vai trò là đầu mối quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; đơn vị giúp việc thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ trình Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Một trong những nhiệm vụ cốt lõi, mang tính nền tảng của Nghị quyết số 20-NQ/TW là sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 với 8 nhóm chính sách cụ thể được đề ra trong Nghị quyết nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Các chính sách này đã được cụ thể hóa tại Luật Hợp tác xã vừa được Quốc hội thông qua (Luật số 17/2023/QH15 ngày 20/6/2023), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. 

Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này rất toàn diện với 12 Chương, 115 Điều, tăng 3 chương và 51 Điều so với Luật HTX năm 2012 (9 Chương, 64 Điều). Luật HTX năm 2023 đã thể chế hóa nội dung kết hợp chính sách đặc thù thông qua xây dựng Chương trình tổng thể về phát triển các HTX, liên hiệp HTX (Điều 17), trong đó Nhà nước có nguồn lực riêng để hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX, cụ thể hóa chủ trương “đầu tư công – quản trị cộng đồng”, thống nhất các nội dung hỗ trợ và triển khai trên toàn quốc. Đặc biệt là thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW tại một Chương riêng của Luật (Chương II) để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, gồm chính sách: (i) Phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; (ii) Đất đai; (iii) Thuế, phí và lệ phí; (iv) Tiếp cận vốn, bảo hiểm; (v) Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (vi) Tiếp cận và nghiên cứu thị trường; (vii) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; (viii) Hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro. HTX, liên hiệp HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngoài các chính sách chung thì được hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù riêng quy định tại Điều 28 của Luật.

Luật HTX năm 2023 đã đưa ra các tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp của mô hình HTX, áp dụng kiểm toán đối với các hỗ trợ lớn của Nhà nước để tránh việc trục lợi chính sách; đồng thời ưu tiên hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể thành lập mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện chiếm đa số về số lượng (khoảng 70%) thì ngoài các chính sách chung đã được hưởng như HTX, liên hiệp HTX trong các lĩnh vực khác thì được hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù riêng quy định tại Điều 28 của Luật, thể hiện sự quan tâm Đảng và Nhà nước đối với loại hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp.

  1. Một số giải pháp nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới
  2. a) Sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023 đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật Hợp tác xã năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024).
  3. b) Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các hợp tác xã xây dựng, phát triển hợp tác xã trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng và hoạt động sản xuất kinh doanh vì mục tiêu chung của các thành viên và của hợp tác xã; xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt hợp tác xã được đào tạo chuyên nghiệp, có kiến thức về kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng quản lý, quản trị hợp tác xã. 
  4. c) Các địa phương tiếp tục duy trì, thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp đã ban hành, trường hợp không còn phù hợp phải kịp thời sửa đổi, thay thế; các tỉnh, thành phố chưa ban hành phải ban hành chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; không trông chờ, ỷ lại. Nhiều mô hình tại các địa phương trong nước và trên thế giới đã thành công cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, tổ chức liên kết phát huy trí tuệ tập thể, cộng đồng trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu lực, nguồn lực của mỗi cá nhân, mỗi thành viên, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền kinh tế của đất nước. 
  5. d) Nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ hợp tác xã và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách. 
  6. e) Nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương trong việc thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và nâng cao vai trò của từng hợp tác xã, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hợp tác xã. Phát huy hiệu quả hơn nữa các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đồng thời, tăng cường hợp tác công – tư, tăng cường nguồn lực từ chính các thành viên hợp tác xã, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh, bền vững./.

Nguồn tin: Vca.org.vn

Sưu tầm: Ngọc Anh

TIN TỨC MỚI

THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

VIDEO